Học sinh giỏi nhất trường thi đại học điểm dưới trung bình, thầy chủ nhiệm bất động xem lại camera

Một học sinh luôn đứng đầu toàn trường trong mọi kỳ thi thì đó không còn là ăn may mà là thực lực. Nhưng vì sao em chỉ đạt 239 điểm, một điểm số dưới mức trung bình trong kỳ thi đại học?

Lý Kim Sơn là một học sinh cấp ba trường làng tại một quận nhỏ không mấy sầm uất ở Hồ Nam (Trung Quốc). Cậu bé được bạn học cùng trường xưng danh “học bá” bởi năng lực học tập vượt trội.

Ở trường, hễ có bài kiểm tra, những học sinh xuất sắc nhất cũng chỉ có thể xếp thứ hai bởi lúc nào vị trí nhất toàn trường cũng đều thuộc về Lý Kim Sơn. Ngay cả khi đạt vị trí thứ hai, điểm số cũng thua xa học bá.

Tại ngôi trường Lý Kim Sơn đang theo học, mặc dù hàng năm vẫn có những học sinh đỗ đại học nhưng chưa một ai từng đậu được vào các trường danh tiếng nhất như Đại học Thanh Hoa hay Đại học Bắc Kinh.

Sự nổi trội của Lý Kim Sơn nhen nhóm niềm hy vọng nơi các giáo viên và bạn học rằng chắc chắn sẽ có “người làm nên lịch sử” cho ngôi trường nhỏ.

Theo nhận định của những giáo viên giàu kinh nghiệm từng hướng dẫn cho Kim Sơn thì cậu bé là người có tố chất thông minh đặc biệt, dù đôi khi có thể có sơ suất nhưng nam sinh này rất khiêm tốn, chịu khó tiếp thu và khắc phục rất nhanh chóng.

Học sinh giỏi nhất trường thi đại học điểm dưới trung bình, thầy chủ nhiệm bất động xem lại camera - Ảnh 1

Ảnh minh họa: 163

Không chỉ được ngưỡng mộ với tư cách là học sinh giỏi nhất toàn trường, Lý Kim Sơn còn được thầy cô và bạn bè yêu mến bởi tính cách khiêm nhường, hào phóng và rất thân thiện. Bất cứ ai cần giúp đỡ, cậu đều không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm học tập của bản thân để bạn bè cùng tiến bộ. Nhờ vậy, dù ở “phe” nào, Lý Kim Sơn đều luôn có chỗ đứng vững chắc trong lòng mọi người.

Trước khi kỳ thi chính thức bắt đầu, thầy Lý, giáo viên chủ nhiệm của Sơn luôn động viên các học sinh thân yêu của mình. Thầy đặc biệt quan sát thái độ của Lý Kim Sơn. Nhận thấy cậu rất bình tĩnh, thầy càng vững tâm hơn khi cho rằng học trò cưng của mình có thừa tự tin để bước vào kỳ thi lớn mà không chút lo sợ.

Năm ấy, Lý Kim Sơn bước vào phòng thi với tâm thế thong dong, không như những thí sinh khác. Mọi người hóng đợi một kỳ tích sẽ đến với học bá xuất sắc nhất trường. Thế nhưng mọi thứ đã sụp đổ.

Điểm tổng kết trong kỳ thi đại học của Lý Kim Sơn chỉ đạt 239 điểm, một điểm số dưới mức trung bình, không chỉ thấp hơn gần 200 điểm so với điểm chuẩn đại học năm ấy mà còn thấp hơn 400 điểm so với điểm số thông thường mà Lý Kim Sơn hoàn toàn có thể đạt được.

Sự kỳ vọng không chút hoài nghi đẩy tất cả những ai từng tin rằng Lý Kim Sơn sẽ làm nên lịch sử cho ngôi trường trong phút chốc đã tan biến. Ai nấy đều lo lắng cho Kim Sơn, tin rằng bản thân cậu học trò cũng đang trải qua đả kích lớn nhất. Không ai dặn ai, tất cả đều không tùy tiện nhắc đến kết quả kỳ thi đại học trước mặt Kim Sơn để cho cậu có thời gian bình tâm đón nhận sự thật.

Tuy vậy, trong thâm tâm, mọi người quen biết Kim Sơn đều có chút bất bình. Thực lực của Kim Sơn quá rõ, cậu không học vẹt, càng không phải là kẻ ăn may trong tất cả các kỳ thi, nhất định đã có sai sót nào đó trong quá trình chấm điểm thi và kết quả cuối cùng chắn chắn có sai sót. Số khác cho rằng có thể khi điền thông tin cá nhân hoặc số báo danh, Kim Sơn đã có sai sót nên một số môn thi không được tính điểm.

Trong lúc tất cả đang bàn tán về chuyện học bá nhất toàn trường trượt đại học, có một người luôn đau đáu, lặng lẽ xâu chuỗi lại tất cả những diễn biến đã qua. Người đó chính là thầy Lý, giáo viên chủ nhiệm của Sơn.

Ngay khi tra điểm số của học trò, thầy đã nghi hoặc có điều gì đó rất bất thường đã xảy ra. Không chịu tin và cũng muốn tin sự thật học trò cưng của mình chỉ đạt 239 điểm trong kỳ thi đại học, thầy Lý quyết không ngồi một chỗ mà đi tìm cho ra sự thật.

Theo nhận định của các giáo viên giỏi, đề thi năm đó không quá khó, nhiều thí sinh tự tin đủ điểm đậu đại học. Với những học sinh vượt trội như Lý Kim Sơn, không lý gì có thể trượt với số điểm thấp đến vậy.

Thời gian hướng dẫn cho Kim Sơn, hơn ai hết, thầy hiểu rõ năng lực của học trò. Có những bài tập thầy phải vắt não mấy hôm mới giải được nhưng Kim Sơn chỉ cần đọc qua, suy luận một vài phút là đã có thể giải gọn ghẽ. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Kim Sơn có đôi lúc chểnh mảng nhưng sau đó cậu luôn nhận ra vấn đề khi được nhắc nhở và sửa sai ngay. Thầy Lý hoàn toàn tin tưởng vào thực tài của học trò, dù đó là đề Toán bình thường hay cấp độ siêu khó thì cũng không làm khó được học bá của thầy.

Hơn nữa, là người quan tâm đến học trò, ngay khi nhận được kết quả sốc, thầy Lý đã có chút lấn cấn trước thái độ bình thản trên mức bình thường của Kim Sơn. Nó như thể mọi sự đã được lường trước.

Cân nhắc những điểm bất thường mà bản thân xâu chuỗi được, thầy Lý đến gặp Kim Sơn để cùng em đi chất vấn hội đồng chấm thi. Nhưng mỗi khi nghe thầy đề cập đến chuyện này, Kim Sơn phản ứng rất mạnh. Cậu không muốn thầy cố gắng tìm hiểu thêm điều gì nữa và tỏ ra toàn tâm chấp nhận kết quả “không như ý” này.

Càng thấy điểm bất thường ở học trò, thầy Lý càng không muốn bỏ cuộc. Theo chân học trò, thầy phát hiện Kim Sơn đã bắt đầu đi làm thêm trong lúc bạn bè đều nghỉ ngơi xả hơi, vui chơi, giải trí sau kỳ thi.

Làm sao đứa trẻ này lại có thể xem nhẹ tương lai của mình như vậy? Có phải gia đình đã gây áp lực quá lớn? Đó là những thắc mắc ngay lập tức lóe lên trong đầu, không chút chần chừ, thầy Lý thẳng tiến, tìm đến tận nhà Lý Kim Sơn.

Học sinh giỏi nhất trường thi đại học điểm dưới trung bình, thầy chủ nhiệm bất động xem lại camera - Ảnh 2

Ảnh minh họa: 163

Ngay khi bước đến nơi gọi là nhà, thầy Lý không khỏi sốc. Trước đây, thầy có nghe biết gia cảnh Kim Sơn khó khăn nhưng không ngờ lại khốn khó đến mức trong căn nhà tối om, trống trơn, không vật dụng gì đáng giá. Ngay cả cái gọi là nhà cũng không giống nhà.

Khi cha mẹ của Lý Kim Sơn biết chuyện, họ cũng thở dài, không biết tại sao con mình thi trượt.

Hôm đó, họ đã đãi thầy Lý nồng nhiệt bằng một bữa cơm tươm tất với món trứng bác duy nhất.

Thương học trò, hôm sau, thầy Lý lại lặn lội cầu cứu đến lãnh đạo trường và Phòng Giáo dục của quận. Cuối cùng, họ cũng chịu đồng ý trích xuất camera giám sát phòng thi.

Sau khi xem những gì diễn ra trên màn hình giám sát, thầy Lý xúc động đến mức bất động, không nói được lời nào suốt nhiều giờ liền.

Sau khi lấy lại bình tĩnh, thầy giáo lập tức chạy đến nhà Lý Kim Sơn, kéo học trò của mình ra khỏi cánh đồng, nơi cậu đang nai lưng làm việc đồng áng để đỡ đần cha mẹ và yêu cầu Lý Kim Sơn nộp đơn thi lại năm sau.

Lý Kim Sơn lúc này dùng dằng, dáng vẻ bất lực nói với thầy rằng mình phải đi làm, không có thời gian học lại.

Lúc này, thầy giáo mới tiết lộ: Thầy đã xem camera giám sát phòng thi, có ba bài thi và em đã nộp bài trắng.

Học sinh giỏi nhất trường thi đại học điểm dưới trung bình, thầy chủ nhiệm bất động xem lại camera - Ảnh 3

Hóa ra Lý Kim Sơn đã hoàn thành tốt bài thi trong ngày đầu tiên, nhưng những bài thi tiếp theo cậu đã bỏ trống, chỉ điền thông tin cá nhân và đặt bút xuống rồi đọc đề bài cách cẩn thận nhưng không hề chọn đáp án.

Khi tận mắt xem từng diễn biến trong đoạn camera giám sát đó, thầy Lý chắc chắn một điều rằng học trò của mình đã cố tình để trượt kỳ thi.

Biết không thể tiếp tục dối thầy, dối lòng, Lý Kim Sơn thú nhận cậu không thể trở thành gánh nặng cho bố mẹ nếu tiếp tục theo học đại học. Cậu chọn lao động để có thể đỡ đần gia đình.

Sau khi hiểu được ý định của Kim Sơn, thầy Lý một lần nữa xúc động đến mức không nói nên lời. Một đứa trẻ nuôi hy vọng vào Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh đã nhắm mắt gạt phăng tương lai xán lạn phía trước vì không muốn tăng thêm gánh nặng cho bố mẹ trước gia cảnh quá ngặt nghèo.

Thầy Lý không thể cứ vậy làm ngơ trước một tài năng lớn bị chôn vùi. Suốt thời gian sau đó, thầy miệt mài tìm nguồn hỗ trợ, lập quỹ kêu gọi mạnh thường quân và trao đổi với lãnh đạo trường để giảm học phí cho Lý Kim Sơn được học lại.

Để động viên học trò, thầy Lý còn khuyên cậu có thể kiếm tiền khi vào đại học, chỉ cần thành tích học tập xuất sắc, nhất định trường sẽ có học bổng hỗ trợ. Các quỹ cho sinh viên vay vốn cũng sẵn sàng giúp đỡ những sinh viên có hoàn cảnh như Kim Sơn.

Cảm động trước tấm lòng của thầy chủ nhiệm, cuối cùng, Kim Sơn cũng gật đầu đồng ý chịu thi lại vào năm sau.

Năm thứ hai thi đại học, Lý Kim Sơn chọn Đại học Vũ Hán gần nhà để tiết kiệm chi phí dù đủ sức thi Đại học Thanh Hoa và Bắc Kinh. Bằng cách này, cậu có thể dùng thời gian rảnh về nhà phụ giúp cha mẹ và tiếp tục làm thêm để trang trải học phí.

Tài năng của Lý Kim Sơn cuối cùng đã có đất để nảy nở. Trước mắt em là một tương lai tươi sáng, nơi em có thể viết tiếp ước mơ cho riêng mình. Sẽ không thể có được ngày hôm nay nếu không có tình yêu thương, sự kiên trì và giúp sức của thầy Lý. Lý Kim Sơn trong một lần trả lời phỏng vấn đã nói rằng cậu luôn ghi nhớ tấm lòng của thầy và sẽ đền đáp gấp bội một ngày trong tương lai.

Nguồn: WebTreTho

Recommended For You

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *