Vụ tố ‘đuổi khỏi quán phở vì ngồi xe lăn’: TikToker không làm việc với cơ quan chức năng

Nam TikToker tố “bị đuổi khỏi quán phở vì ngồi xe lăn” đang làm việc với cơ quan chức năng thì lấy lý do sức khoẻ nên xin dừng buổi làm việc, cơ quan chức năng sau đó nhiều lần mời nhưng người này không lên làm việc.

Tại họp báo quý I của UBND TP Hà Nội chiều 28/3, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương cho biết sau khi nắm thông tin về vụ việc TikToker V.M.L. tố bị đuổi khỏi quán phở vì ngồi xe lăn hồi tháng 1, Sở đã làm việc trực tiếp với chủ quán phở này.

Theo bà Hương, sau khi làm việc với bà Triệu Thị Thu là chủ quán phở ở phố Nam Ngư, Sở xác nhận trích xuất camera ở nhà bà Thu là hoàn toàn chính xác.

Vụ tố đuổi khỏi quán phở vì ngồi xe lăn: TikToker không làm việc với cơ quan chức năng

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương thông tin tại họp báo.

Ngay ngày 18/1, Sở đã mời ông Vũ Văn Nội là tên thật của tài khoản của TikToker V.M.L. lên làm việc. Tuy nhiên tại buổi làm việc, khi đang làm việc đến nửa buổi thì TikToker này lấy lý do sức khỏe không đảm bảo, nên không ký biên bản làm việc và xin phép sang làm việc vào buổi tiếp theo.

“Nhưng sau đó người này không quay trở lại làm việc nữa. Chúng tôi đã trực tiếp liên hệ nhiều lần và phối hợp với công an địa phương gửi giấy mời 3 lần, nhưng ông này từ chối, trốn tránh tiếp nhận thông tin và làm việc với Sở”, bà Hương cho biết.

Lãnh đạo Sở TT&TT Hà Nội cho biết đến nay, Thanh tra Sở chưa trực tiếp làm việc, do đó việc kết luận với vi phạm của người này có thể còn quá sớm.

Nhưng căn cứ vào quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, nam TikToker trên vi phạm 2/4 nguyên tắc ứng xử chung, đó là tôn trọng tuân thủ pháp luật và chịu trách nhiệm về các hành vi ứng xử trên mạng xã hội, phối hợp cơ quan chức năng trong việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật.

Trước đó vào giữa tháng 1, đăng tải trên trang Facebook cá nhân, TikToker V.M.L. cho biết, anh cùng bạn gái đến một quán phở gần nhà nhưng bị nhân viên từ chối “quán em không có nhân viên để khiêng người như anh”.

Đến quán phở thứ 2, anh L. cho hay đây là quán quen, hai người vào ăn bình thường. Chỗ ngồi bé, xe lăn của anh hơi chen vào chỗ bà chủ quán.

“Bà đứng phắt dậy, mắng nhân viên “ai nhận cái ngữ này vào đây ăn?”, nhân viên bảo “anh ấy hay ăn ở đây, bình thường vẫn ngồi thế này”. Bà càng được đà “không bán được, đã thế thì tôi đứng”…”, anh L. viết.

Trước tố cáo trên, chủ quán phở gà xác nhận anh L. là khách quen, thường ăn phở vào buổi tối. Vài ngày trước, anh L. cùng bạn gái đến quán vào tầm trưa.

Quán tiếp đón bình thường. Anh L. và bạn gái ngồi bàn đầu tiên, sau lưng chủ quán, cạnh khu vực cân thịt gà. Một chủ quán khác (đã lớn tuổi) nhắc nhở anh L. lần sau đừng ngồi vị trí này gây khó khăn bán hàng.

“Bạn ấy vẫn tươi cười, ăn uống bình thường, nhưng sau đăng bài lên mạng xã hội ám chỉ chúng tôi miệt thị là không đúng”, đại diện quán nói. Chủ quán khẳng định “không bao giờ dùng lời lẽ thô tục để đuổi khách, đặc biệt với người khuyết tật”. Đồng thời, chủ quán cũng trích xuất camera giám sát thời điểm anh L. cùng bạn gái vào ăn.

Nguồn: Tiền Phong

Recommended For You

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *