‘Cãi lời bố mẹ không vào đại học, nay tôi là chủ 2 nhà hàng lớn’

Trong đợt 1 xét tuyển đại học năm nay, hơn 290.000 thí sinh đã không nhập nguyện vọng vào bất kỳ trường đại học nào, chiếm tới hơn 30% tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển trước đó.

“Bố mình làm thợ hồ. Mẹ mình làm công nhân (hiện tại, công ty đang giảm nhân công, trong đó có mẹ mình). Lúc được tin cho nghỉ, mẹ mình xin một vài công việc khác. Mẹ cũng lớn tuổi rồi. 

Công việc đầu tiên mẹ xin làm đó là may áo phao. Làm 1 ngày 12 tiếng, nhưng lương chỉ có 3 triệu đồng.

Sau đó, mẹ xin đi làm phục vụ, 1 ngày 10 tiếng được 5 triệu. Mẹ làm bánh mì được một thời gian thì bị cho nghỉ. Chị mình làm giáo viên mầm non, tháng được hơn 4 triệu. 

Sắp tới, đầu tháng 9 này, mình phải nhập học. Vì chi phí không đủ nên mình quyết định ở ký túc xá. Khoảng thời gian vừa qua, mình đi làm thêm và để dành được 3 triệu. Nhưng số tiền nhập học sắp tới lên đến 13 triệu.

Bây giờ, mình không biết phải mở lời sao với gia đình. Áp lực thật sự! Bữa giờ, mình suy nghĩ nát óc, vẫn không biết nói thế nào với ba mẹ. Mình thấy thương gia đình mình quá. Mình phải làm sao đây?”.

Đây là tâm sự của một bạn trẻ được chia sẻ trên một nhóm diễn đàn dành cho học sinh, sinh viên cách đây vài ngày. Những dòng tâm trạng này nhận được hàng trăm bình luận đồng cảm hoặc chỉ dẫn cách để bạn trẻ đó vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Những tâm sự tương tự cũng không khó bắt gặp, khi những cô, cậu vừa hết lớp 12 cảm thấy bất lực trước cánh cửa đại học vì lý do kinh tế.

Một tâm sự nhận được nhiều đồng cảm về vấn đề học đại học

Một tâm sự nhận được nhiều đồng cảm

“Cứ mùa nhập học, đọc những tâm sự như thế này, tôi thương các bạn ấy lắm. Bởi vì trước đây, tôi đã từng trong tình trạng mất ăn mất ngủ vì áp lực về tiền học phí, sinh hoạt phí nếu theo học đại học” – chị Lê Thị Mai, hiện là chủ một nhà may ở Hà Nội, chia sẻ.

Sự áy náy, day dứt và cảm thấy cực khổ cho bố mẹ, rồi lại cảm thấy nản trước gánh nặng tiền bạc, tự dằn vặt bản thân liệu đi học là đúng hay sai là tâm trạng của chị Mai cách đây hơn 10 năm, khi nhận giấy báo trúng tuyển của 3 trường đại học.

“Gia đình tôi thuần nông ở một xã nghèo tại Thanh Hóa, dưới tôi còn 3 đứa em gái đang đi học. Vậy nên, sau cùng, tôi quyết định không nhập học bất cứ trường nào. Nhưng tôi vẫn lên Hà Nội, với ý định đi làm thêm tích lũy tiền rồi sẽ thi lại đại học”.

Lên thành phố, chị Mai khá may mắn khi chỉ vài ngày sau đã tìm được việc bán hàng ở một shop quần áo.

“Sau một tháng, chị chủ cho tôi ngủ luôn tại cửa hàng nên tiết kiệm được một khoản thuê nhà. Tôi hầu như dè xẻn hết mức có thể, dành tiền với ý định khoảng 2 năm sau sẽ ôn thi lại. Tuy nhiên, ngã rẽ lại đến bất ngờ vào mùa thi năm sau.

Trong một lần trò chuyện, tôi có nói về việc muốn đi học tiếp với chị chủ. Khi đó, chị nhận xét rằng thấy tôi thích quần áo và khéo tay, hay tôi đi học may – là một nghề cũng kiếm ra tiền nếu làm tốt”.

Sau một tuần đắn đo, chị Mai quyết định đăng ký một khóa học may sơ cấp 12 tháng, với suy nghĩ ban đầu là học phí thấp, nếu không hợp sẽ… bỏ ngang không tiếc và năm sau nữa vẫn thi ôn thi đại học theo kế hoạch ban đầu. Hơn nữa, chị chủ cũng thương nên tạo điều kiện cho chị được bán hàng theo ca không trùng với giờ học, vẫn được ngủ lại cửa hàng.

“Không ngờ “nghề chọn người”, càng học tôi càng mê, nhanh chóng nắm bắt được các kỹ thuật của nghề này. Sau khóa học, lúc đầu tôi nhận đồ từ các hiệu may về ráp. Tôi cắt may cho người quen, rồi dần có khách mới… Đến nay, tôi đã có lượng khách rất ổn định, đảm bảo cuộc sống cũng như cùng bố mẹ nuôi các em ăn học” – chị Mai vui vẻ kể.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Thạch Thảo

Anh Nguyễn Thanh Hải (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng quyết định chấm dứt con đường đèn sách sau khi hết lớp 12. Tuy nhiên, anh không học đại học không phải vì lý do kinh tế.

Nhà ở phố, từ nhỏ tới lớn anh đều học các trường có có tiếng với học lực tốt. Anh còn là niềm hy vọng của bố mẹ khi có anh trai chỉ là học sinh trung bình, nghịch nhiều hơn học và từng trượt đại học, sau đó theo nghề lái xe.

“Bố mẹ từng rất kỳ vọng vào tôi. Tôi rất biết điều đó” – anh Hải tâm sự.

Tuy nhiên, cậu con trai được hy vọng này đã từng gây nên một trận bão lớn trong gia đình khi lựa chọn con đường phát triển của mình.

Ngay từ khi học cấp một, khả năng nấu nướng và yêu thích việc chế biến các món ăn của anh Hải đã “phát lộ”.

“Từ bé, tôi có thể cuốn cả trăm cái nem đều tăm tắp. Mỗi khi nhà có giỗ hay mời cơm khách, mẹ chỉ trộn nhân, còn việc cuốn nem tôi xung phong làm” – anh Hải vui vẻ nhớ lại.

Từ món nem rán, anh bắt đầu lân la học làm các món ăn khác. “Mẹ tôi nấu ăn rất ngon, mỗi khi mẹ vào bếp, tôi rất thích xem mẹ làm và luôn sẵn lòng chờ mẹ sai từ việc nhặt rau đến làm cá, thái thịt… Mẹ còn đùa nhà này coi như có một cô con gái rồi”.

Tới cấp 3, mình anh có thể “cân” một lúc cả 4,5 mâm cỗ vừa ngon vừa đẹp. Anh cũng biết làm bánh, các loại nước hoa quả, nấu nhiều loại chè… “Nói chung, cứ liên quan đến ăn uống là tôi mò mẫm làm được hết”.

Nhưng phải tới gần cuối năm lớp 12, đến lúc chọn trường, chọn ngành để chính thức làm hồ sơ đăng ký xét tuyển, anh Hải mới nghiêm túc suy nghĩ về con đường mình muốn theo đuổi ở tương lai.

“Tôi đi học luyện thi khối D từ năm lớp 11, với dự tính là sẽ đăng ký các trường Ngoại giao, Ngoại thương, Kinh tế… Bố mẹ tôi rất ủng hộ, bảo con muốn học gì cũng được. Tuy nhiên, đến lúc “hạ bút” viết hồ sơ, nhìn danh sách các ngành học, tôi chợt nhận ra mình không hề thích thú, hào hứng. Tôi cũng biết từ trong sâu thẳm, điều mình thích là gì”.

Khi bày tỏ ý định không học đại học mà đi học nấu ăn, anh Hải nhận sự phản ứng khá dữ dội từ bố mẹ, đặc biệt là từ bố.

“Bố mắng tôi tơi tả, mẹ cũng bày tỏ không đồng tình, cả 2 yêu cầu tôi làm hồ sơ như đã dự định. Nhưng tôi đã không buông xuôi. Bố mẹ tôi thương con, qua cơn “sốc” ban đầu, hai người cũng định tâm, dần suy nghĩ lại và đồng ý cho tôi học trung cấp kỹ thuật chế biến món ăn tại trường nghề.

Thế là trong khi hầu hết bạn bè trong lớp mới chỉ học tới năm thứ hai đại học, anh Hải đã ra trường với tấm bằng trung cấp nghề trong tay sau khóa học 18 tháng. Sau đó, anh làm phụ bếp ở một khách sạn 5 sao và đến nay, ở tuổi ngoài 30, anh đã gây dựng được cho mình 2 nhà hàng khá lớn tại Hà Nội.

“Nếu như tính sự thành công của một người là có nghề nghiệp trong tay và kiếm sống tốt với nghề đó, tôi đã có điều này. Tôi còn có được một cái “hơn” cả sự thành công, đó là tôi hạnh phúc với công việc mình đang làm – điều mà tôi nghĩ rằng nếu năm ấy, tôi chọn theo Ngoại giao hay Kinh tế, bây giờ tôi chưa chắc đã có được”.

Nguồn: VietNamNet

Recommended For You

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *